Việt Nam đấu Thái Lan, cạnh tranh ở Đông Nam Á vẫn "nóng"
Bongda24hnet.comViệc 2 đội tuyển Việt Nam và Thái Lan "chốt kèo" giao hữu đã mang đến sự phấn khích cho làng bóng đá Đông Nam Á.
Thông tin đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Thái Lan thi đấu giao hữu vào tháng 9 tới đã khiến cộng đồng hâm mộ bóng đá ở 2 quốc gia cũng như trong khu vực Đông Nam Á dậy sóng. Dù chỉ là một trận giao hữu, đây vẫn xứng đáng là sự kiện được chú ý bậc nhất của bóng đá khu vực.
Trận giao hữu vào tháng 9 này sẽ đánh dấu một chương tiếp theo trong lịch sử đối đầu giữa 2 kình địch Việt Nam và Thái Lan. Sau một giai đoạn không thành công của cả 2 khi đều phải dừng bước tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, cả “Voi chiến” và “Các chiến binh sao vàng” đều sẽ muốn có một chiến thắng để xốc lại sĩ khí. Làm được điều này trước đối thủ truyền kiếp sẽ càng tạo ra hiệu ứng tích cực hơn nữa, đây hoàn toàn có thể là động lực thúc đẩy trận giao hữu này được chốt lịch sớm.

Trận giao hữu tới đây cũng sẽ là lần đầu tiên 2 HLV Kim Sang-sik của Việt Nam và Masatada Ishii của Thái Lan được trải nghiệm một trận “derby Đông Nam Á” của 2 nền bóng đá. Đó là xét trên phương diện tinh thần, còn về chuyên môn, lựa chọn một đối thủ đồng cân đồng lạng cũng là một bài test phù hợp cho 2 đội tuyển muốn kiểm tra trình độ nhằm chuẩn bị cho các mục tiêu phía trước.
Động thái của 2 đội tuyển Việt Nam và Thái Lan đã một lần nữa khẳng định: bầu không khí cạnh tranh trong môi trường bóng đá Đông Nam Á, đặc biệt là ở top đầu, vẫn còn rất “nóng”. Động thái này khác biệt hẳn so với những gì diễn ra gần đây, từng khiến nhiều người hâm mộ bày tỏ lo ngại sự cạnh tranh trong khu vực sẽ không còn quyết liệt nữa, như: Thái Lan “né” lời mời giao hữu từ Indonesia, các giải đấu truyền thống như Merdeka Cup hay King’s Cup không mời Việt Nam, rồi những đội tuyển hàng đầu khu vực như Thái Lan, Indonesia sớm “rào trước” rằng khó mang đội hình mạnh nhất đến ASEAN Cup diễn ra vào cuối năm,...

Với tham vọng vươn ra châu Á, Indonesia sắp đá vòng loại thứ 3 World Cup, rồi Thái Lan, Việt Nam đương nhiên sẽ cần có những tính toán khác, không thể dễ dàng ưu tiên thi đấu trong khu vực như giai đoạn trước. Tuy nhiên, có thể thấy các nền bóng đá khu vực vẫn còn khao khát đối đầu, cạnh tranh rất lớn. Nó rất khác với những gì xảy ra ở Đông Á, nơi những đội tuyển mạnh vượt tầm như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Triều Tiên chỉ hướng đến các giải đấu châu lục và thế giới, gần như không đoái hoài gì đến cạnh tranh khu vực.
Khao khát cạnh tranh nội bộ của những Thái Lan, Việt Nam, Indonesia,... chắc chắn là một tin vui dành cho người hâm mộ bóng đá khu vực. Bởi nói gì thì nói, những cuộc đối đầu nảy lửa dẫu cho giới hạn trong “vùng trũng” vẫn là một đặc sản trong bữa tiệc bóng đá Đông Nam Á, thiếu đi món này thì tiệc... mất ngon.
(Bạn đọc: Ngọc Bách)